Bối cảnh Bạo_loạn_tháng_5_năm_1998_ở_Indonesia

Ngày 27 tháng 7 năm 1996, các quân nhân, cảnh sát viên và thường dân tấn công trụ sở của Đảng Dân chủ Indonesia (PDI) tại Trung Jakarta, là nơi đang bị chiếm giữ bởi những người ủng hộ thủ lĩnh của đảng này là Megawati Soekarnoputri- con gái của cố tổng thống Soekarno. Megawati được bầu làm thủ lĩnh đảng trong đại hội vào tháng 12 năm 1993.[2] Tuy nhiên, chính phủ Trật tự Mới nhận định sự kiện bà được chọn gây ra một mối đe dọa. Ủng hộ quần chúng đối với Megawati và Đảng Dân chủ phát triển hướng đến bầu cử quốc hội 1997 và đe dọa đến địa vị chi phối của đảng cầm quyền Golkar. Chính phủ tuyên bố việc bổ nhiệm Megawati là vô hiệu và tổ chức một đại hội mới vào tháng 6 năm 1996, một thủ lĩnh mới được bầu ra trong đại hội này.[3] Những người tấn công nói rằng họ hành động nhân danh tập thể lãnh đạo hợp pháp của đảng.[2] Sự kiện tiến triển thành hai ngày bạo động tại Jakarta, chính phủ đổ lỗi cho Đảng Dân chủ Nhân dân (PRD) về sự việc.[3] Bạo lực tiếp tục cho đến bầu cử vào ngày 29 tháng 5 năm 1997, kết quả bầu cử là Golkar chiến thắng với 74% số phiếu. Đảng Dân chủ bị phân chia chỉ nhận được 3% số phiếu, trong khi Đảng Phát triển Liên minh (PPP) gồm phần lớn là người Hồi giáo nhận được 22% số phiếu.[4] Bầu cử bị phá hỏng do các trường hợp gian lận bầu cử phổ biến, gây phản đối quần chúng trong những người ủng hộ Đảng Phát triển Liên minh, vốn kêu gọi chính phủ tuân theo một quy trình dân chủ vì lo ngại rằng kết quả bị quần chúng bác bỏ.[4]

Đương thời, Indonesia đang trải qua bùng nổ kinh tế với tăng trưởng GDP ở mức 8% vào năm 1996, dẫn đầu là lĩnh vực chế tạo.[5] Tuy nhiên, năm tháng sau bầu cử, do hậu quả từ Khủng hoảng tài chính châu Á, rupiah sụt giá từ 2.450 xuống 4.000 đổi 1 USD từ tháng 7 đến tháng 10, và tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 1,4% trong quý tư. Bất lực trong việc ổn định kinh tế, chính phủ tìm kiếm trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[6] Đồng rupiah càng sụt giá hơn nữa khi vào tháng 1 năm 1998 giá trị chỉ còn bằng một phần sáu so với mức tiền khủng hoảng. Thất nghiệp và giá thực phẩm tăng lên, quần chúng mất tin tưởng vào năng lực của chính phủ trong việc xoay ngược tình hình kinh tế.[7] Bạo lực lan tràn khắp đảo Java, song chính phủ thi hành quyền lực của mình trong tháng 2 và áp đặt một lệnh cấm 25 ngày đối với hoạt động kháng nghị đường phố. Các quan chức thực thi pháp luật được trao thẩm quyền tống giam bất kỳ ai tham gia các hoạt động chính trị vi phạm lệnh cấm.[8]

Tháng 3 năm 1998, Soeharto lần thứ bảy được Hội nghị Hiệp thương Nhân dân (MPR) bầu làm tổng thống cho một nhiệm kỳ 5 năm. Bất chấp các yêu cầu về cải cách kinh tế và chính trị, Nội các Phát triển thứ bảy của ông bao gồm cả các thành viên gia đình và những bạn bè thân thiết của ông, trong đó có Phó tổng thống Bacharuddin Jusuf Habibie. Các cuộc tuần hành của sinh viên tại các khu trường sở gia tăng cường độ sau các sự kiện này.[9]